Bác Hồ trong lòng người con họ Võ xứ Quảng

 Lời Ban biên tập:

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) Hội đồng Dòng họ Vũ – Võ QN-ĐN giới thiệu một cựu binh già họ Võ, quê ở Làng Quảng Lăng, phường Điện Nam Trung, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ông VÕ NHƯ TỐNG (hiện 91 tuổi) tên hiệu hoạt động cách mạng là TỬ VÌ DÂN) với mọi người trong và ngoài dòng họ Vũ - Võ.

Ông đã và đang sống một cuộc đời cống hiến cho cách mạng, tận trung, tận hiếu, tận tình, sống có trách nhiệm với Đảng, với Bác Hồ, với Tổ quốc, quê hương và gia đình, dòng tộc…Với nhiều thành tích đạt được trong chiến đấu và hoạt động cách mạng cũng như thời bình, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, huân, huy chương, bằng khen, kỷ niệm chương, danh hiệu cao quý “Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng”…

 

Bác Hồ trong lòng người con họ Võ xứ Quảng

Ai có dịp đi trên tỉnh lộ ĐT.616 từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My, qua Tổ Đồng Trường 2, Thị trấn Trà My sẽ nhìn thấy một ngôi nhà thờ với tượng Bác Hồ cao hơn 3 mét nhìn về phía dòng sông Trường, chung quanh là cây cảnh hoa lá xanh tươi. Đó là công trình của hai vợ chống cựu chiến binh Tử Vì Dân - Huỳnh Thị Thuyền, xây dựng bằng những đồng lương hưu tích cóp gần nửa đời người.

Ông Tử Vì Dân lúc nhỏ đi học có tên là Võ Như Tống, người ở Chi Năm, Phái Tư, tộc Võ Như, làng Quảng Lăng, nay thuộc xã Điện Nam Trung, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lúc về hưu ông tham gia công tác ở Thị trấn Trà My và định cư tại đây. Nơi đây chính là chiến khu xưa mà ông đã từng hoạt động và chỉ huy bộ đội E220 của cục hậu cần Quân khu 5, và ông từng là nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hoá bên dòng Sông Tranh của núi rừng Trà My hùng vĩ.

Năm 13 tuổi ông đã làm liên lạc cho cách mạng, sau đó ông đã gia nhập trung đội dân quân du kích xã, làm trinh sát lấy tên Võ Như Thông, rồi  tòng quân đi bộ đội chủ lực C64 rối D17 - E93 hoạt động ở chiến trường Liên khu 5. Năm 1953 tham gia Đại đội 64 bộ đội huyện Điện Bàn. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc.

Năm 1964, ông nhận lệnh vào Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Để đảm bảo bí mật, ông đổi tên mình là Tử Vì Dân với ý nghĩa “Vì Nhân Dân hi sinh” để thể hiện tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Cái tên "Tử Vì Dân" gắn liền cuộc đời ông từ ngày đó đến nay.

Ông Tử Vì Dân xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống Cách mạng ở xã Điện Nam anh hùng, xã được Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Gia đình ông có Cha và 2 em là liệt sĩ, Anh ruột Thương binh, mẹ ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời chị ruột của ông cũng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 2011, ông đã 77 tuổi, về hưu với cấp bậc Thiếu tá quân đội.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, năm 1957, ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại Nam Đàn, Nghệ An khi Bác đến thăm đơn vị F.324 và sau đỏ 2 lần tại Hà Nội. Kỷ niệm về 3 lần gặp Bác vẫn dai dẳng trong lòng ông. Ông muốn làm một việc gì đó để ông luôn được gần gũi Bác. Năm 2007, ông bàn với vợ là bà Huỳnh Thị Thuyền, một chiến sĩ quân y bộ đội Trường Sơn, muốn tạc một bức tượng Bác Hồ và xây một ngôi nhà thờ để ngày đêm tưởng niệm Bác. Hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, thế là bao nhiêu tiền dành dụm bấy lâu, động viên con cháu đóng góp, vay mượn bà con và xúc tiến thực hiện.

Ông ra Đà Nẵng, đến làng nghề điêu khắc đá Non Nước đặt tạc một bức tượng Bác Hồ toàn thân, chiều cao 1,6 mét. Ông dùng đá xanh - một loại đá đặc trưng của vùng đất Bắc Trà My xây đài cao 1,7 mét để an vị tượng. Phía trước tượng có 2 con sư tử bằng đá đứng chầu, lối vào được bố trí nhiều chậu hoa cây cảnh rất đẹp, có cả hòn non bộ.

Sau đó, ông tiếp tục xây dựng ngôi nhà thờ tường gạch, sườn gỗ, lợp ngói 3 gian có tổng diện tích hơn 120m2. Trong nhà thờ Bác, có 2 tủ sách mà ông Tử Vì Dân đã cất công sưu tầm được hơn 100 đầu sách, báo, tạp chí và các tác phẩm văn, thơ, nhạc về Bác Hồ; hàng trăm tranh ảnh, câu đối, thơ của Bác được viết theo lối thư pháp phóng to trưng bày.

Khu tưởng niệm Bác Hồ được khánh thành vào ngày 05/06/2009 (đúng dịp Kỷ niệm 98 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước). Chi phí khu tưởng niệm này thời điểm đến năm 2011 là hơn 170 triệu đồng.

Từ đó đến nay ông đã xây thêm các nhà thờ, tác tượng các vị anh hùng, chí sĩ yêu nước, những người đã có công cứu giúp Bác Hồ thoát khỏi tay giặc. Những người đã ảnh hưởng tư tưởng của Bác khi là bạn với cụ thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như cụ Phan chu Trinh. Ông đã xây các nhà tưởng niệm để thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng, anh hùng Trần Thị Lý, và đặt tên "Nhà tưởng niệm" Quảng Nam với Bác Hồ". Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tù trần, ông cũng đã làm bài văn khấn lập bàn thờ để thờ Đại tướng năm 2013. Trong khu  nhà thờ tưởng niệm còn có Hưng Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, hai bàn thờ đặt cạnh Bác là hai ân nhân đã cứu Bác (tượng bán thân của Luật sư Loseby, người Anh đã cứu Bác Hồ trong vụ án tại Hồng Kông năm xưa. Lão đồng chí Hồ Tùng Mậu, mới nhất là đền thờ Nguyễn Duy Hiệu…). Đặc biệt, sau khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với cõi vĩnh hằng thì ông Tử Vì Dân đã tạc tượng thờ trong nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (lời BBT)

Trong ngày lễ khánh thành Khu tưởng niệm Bác Hồ, vợ chồng người cựu chiến binh già Tử Vì Dân – Huỳnh Thị Thuyền, xúc động phát biểu:

“Nếu góp phần làm cho một người, hai người, năm, mười người thêm hiểu biết về Bác kính yêu, hoặc thích thú một câu thơ hay ngời ngời chất nhân văn của vị lãnh tụ vĩ đại  - Thi nhân Hồ Chí Minh thì chúng tôi cũng rất hạnh phúc, bởi mình đã làm được một việc nhỏ có ích cho quê hương.

"Dự định của chúng tôi là hằng năm sẽ mời các cháu thanh thiếu niên trong vùng, các cháu học sinh trường nội trú huyện, các trường tiểu học, trung học ở Thị trấn Trà My đến thăm. Cháu nào có nhu cầu đọc sách, tìm hiểu về Bác, văn thơ Bác, chúng tôi cho mượn đọc tại nhà thờ. Khi các cháu thanh thiếu niên đến, chúng tôi có thể giới thiệu về Bác Hồ, kể một số mẩu chuyện về Bác cho các cháu nghe...”.

Hằng năm, các cháu thanh thiếu niên trong vùng, các cháu học sinh Trường PTTH Bắc Trà My, PTTH nội trú Nước Oa, huyện, các Trường Tiểu học, Trung học ở Thị trấn Trà My đến thăm. Đồng thời tại nơi đây cũng là địa chỉ đỏ để các cháu học sinh đến thăm quan, học tập trên tài liệu tranh ảnh cuộc đời hoạt động của Bác Hồ và các tiểu sử của các anh hùng, chí sĩ yêu nước. Để cho các cháu biết trân quý khi được hưởng hoà bình, độc lập, tự do hôm nay. Nhân các ngày lễ, Ban giám hiệu của các nhà trường tổ chức dã ngoại tại nơi đây và tổ chức Đoàn đã làm lễ kết nạp "Đoàn viên mới" dưới chân dung của Người. Qua đó thấy rằng ông đã tạo ra được địa chỉ Đỏ để giáo dục tư tưởng cho lớp thanh thiếu niên, nhi đồng về thời đại Hồ Chí Mình. Hàng năm, gia đình tổ chức lễ giỗ Bác Hồ ngày 2-9, có tổ chức múa Lân rất rộn ràng. (Lời BBT)

Ôi ! Cao quý thay tấm lòng của người dân xứ Quảng, người con họ Võ đối với Bác Hồ vô vàn kính yêu.

VÕ ĐẠT (Tộc Võ Như, Quảng Lăng, Điện Nam Trung, TX Điện Bàn. Nguyên Phó Chủ tịch HĐDH Vũ – Võ QN-ĐN - Năm 2011)

 

Dưới đây là những bài thơ của ông Tử Vì Dân và những bài thơ đối với bạn thơ, lại đồng hương, đồng tộc của ông là ông Võ Xuân (bút danh Thanh Phong).

Chính Vì Lẽ Ấy

                                                Tử Vi Dân

 Tôi rất mừng khi được gặp bạn

Trên đất thánh Trà My

Trong tôi gợi nhớ chuyến đi năm nào!

Nếu bạn hỏi vì sao?

Thưa - Tôi đến Trà My từ, sau những năm đầu đánh Mỹ

Ngót phần tư thế kỷ

Nửa đời người

Có nghĩa lí gì đâu

Vì tôi hiểu:

Có năm đầu ắt có năm cuối

Cũng như tôi trong vạn ngàn chiến sĩ.

Tổ quốc cần – Kêu gọi – Tôi sẳn sàng đi .

Vâng lệnh Đảng – Với tinh thần tình nguyện.

Năm sáu bốn, tháng tư, ngày một.

Tôi có tên trong đoàn quân Nam tiến

----

Đất mẹ Trà My tổ tiên tôi đó

Ờ, hai bốn năm rồi tôi còn nhớ như in.

Buổi xuất quân năm ấy lên đường.

Với tất cả một niềm tin ở Đảng

Chúng tôi đi giữa những tháng gió Lào

Hoà quyện vào tiếng ve kêu mùa hạ

Êm êm như ru, mà để tiển chào

Nhưng, cũng như vừa giục giã

Nhắc  nhỡ đoàn quân – tiếng hối hả

Chúng tôi đi 45 ngày đêm ròng rã

Vượt qua bao ngọt đồi cao – thấp

Lội không biết mấy lần những con suối chưa biết tên

Tôi không thể nhớ

Nhưng đâu đã dễ quên !

Vì một lẽ

Trải qua nhiều chiến dịch

Tôi như hạt cát vàng

Giữa bãi sa mạc mênh mông

Chính vì lễ ấy !

Tôi không bao giờ dám nhắc tới chiến công

Hơn thế nữa, tôi cũng không quên

Tự nhận mình người lính không tuổi tên

Thì có chi mà đáng kể

Bởi thế -

Và, chính là như thế.

Nên, tôi không màng, không ao ước sự giàu sang.

Dẫu đó chỉ là chiếc ghế hoặc chiếc bàn nho nhỏ.

Nếu bạn hỏi?

Tiêu chuẩn anh có nhưng bởi do đâu?

Thưa rằng: Bởi tôi không có phút cúi đầu trước một người còn sống!

                                                       Viết xong tháng 7 – 1988

Tối Ba Mươi

                                          Tử Vi Dân

Nước suối trong veo thay trà đậm

Chóc rừng nấu chín thế bánh qui

Thịt heo không có dùng muối trắng

Rau rừng cũng đỡ bữa canh ngon

***

Tết này vỏn vẹn ba lon gạo

Một nạm rau xanh nấu một nồi

Một nồi ốc đá tối ba mươi

Hai đứa nhìn nhau mỉm miệng cười

                            Xuân 1965

XUÂN VỀ

(Mừng Đại hội Đảng lần 6 thành công)

Tống cựu nghinh tân trừ lũ quỷ

Xuân về vạn sự đắc công minh

Mừng thay đại hội thành công lớn

Khoa học nâng cao tiến bộ nhanh

Kỹ thuật tinh anh càng phát triển

Dựng xây kinh xã được phồn vinh

Đảng ta chú trọng vì dân chúng

Cường phú văn minh nước thái bình

Võ Xuân (Chi Ba, Phái Tư, tộc Võ Như,

làng Quảng Lăng, Điện Nam – 01/01/1987)

 

XUÂN VỀ

Đổi mới thay xưa một quá trình

Đảng ta vĩ đại, đại anh minh

Năm châu đồng chí càng khâm phục

Bốn bể anh em tỏ cảm tình

Vận nước non mình nay đổi mới

Toàn dân thoả dạ vững niềm tin

Mừng thay Đại hội thành công lớn

Thắng lợi huy hoàng tuyệt đẹp xinh

Tử Vì Dân (Thị trấn Trà My, ngày 02/01/1988)

 

TẾT VỀ

Tết về ai có vui không nhỉ ?

Vật giá sao mà giỏi nhảy thang

Tiền ít lấy gì mua cá thịt

Hương đèn thì cũng vọt theo vàng

Không tu mà cũng như tu vậy

Ba bữa ăn chay đỡ tốn tiền

Thế sự mông lung không xiết nói

Chỉ cầu dân chúng được bình yên

Võ Xuân (Điện Nam, 1987)

 

TẾT VỀ

Vui quá Tết này tiếng hát vang

Biết rằng vật giá sẽ leo thang

Cần chi ba bữa nhiều cá thịt

Câu đối, dưa hành cũng đã sang

Tiền ít vẫn thừa mua nhang đốt

Tổ tiên rạng rỡ cảnh khang trang

Đừng lo thế sự mông lung quá

Lịch sử từng giờ mở thêm trang

Tử Vì Dân (Trà My, 1987)

 

TẾT ĐẾN

(Ngẫm lại cuộc đời)

Mới đó mà nay Tết đến rồi

Tôi ngồi ngẫm lại cái đời tôi

Bảy mươi sáu tuổi nghe còn khoẻ

Ba chục năm tròn chẳng kém ai

Nợ nước trả xong hưu dưỡng lão

Sự nhà ổn thoả sống vui đời

Tháng ngày khuây giải cùng thi – tửu

Nhàn nhã ngao du ngoạn cảnh chơi

Võ Xuân (Điện Nam, 14/01/1987)

 

TẾT ĐẾN

(Ngẫm lời Bác dạy)

Tết qua, Tết lại, lại Tết rồi

Xuân sang, xuân đến, đến xuân thôi

Dù râu, tóc bạc, đời tăng tuổi

Lý tưởng tôn thờ, chớ bỏ trôi

Tổ quốc từng cơn còn nhức nhối

Sao đành ngoạn cảnh lúc dầu sôi

Mong người nhớ lại lời khuyên Bác

Nghiệp lớn toàn dân đâu mỗi “Tôi”

Tử Vì Dân (Trà My, ngày 19/1/1987)

 

TỰ TRÀO

Nghĩ có ra gì cái phú thi

Giỏi như Đỗ Phủ đói trần khi

Chi bằng lao động làm ra của

Có lúa, có khoai, có củ mỳ

Võ Xuân (Điện Nam, ngày 14/01/1987)

 

HOẠ

Càng khổ càng cần có phú thi

Lưu danh Đỗ Phủ sách còn ghi

Đói lòng mà lại no thi phú

Hậu thế đời đời mãi khắc ghi

Tử Vì Dân (Trà My, ngày 19/01/1987)

Một số Hình Ảnh tư liệu liên quan

Hai vợ chồng cựu chiến binh Tử Vì Dân

Ông Tử Vì Dân

Vợ ông, bà Huỳnh Thị Thuyền

Các bạn ĐVTN, học sinh, sinh viên thăm Nhà thờ Bác Hồ và chụp ảnh lưu niệm cùng cựu chiến binh Tử Vì Dân

Các bạn ĐVTN, học sinh, sinh viên về thăm Nhà thờ Bác Hồ của ôgn Tử Vì Dân xây dựng

Các bạn ĐVTN, học sinh, sinh viên vè thăm Nhà thờ Bác Hồ

Các cụ cao niên trong làng làm lễ Ngày Quốc khánh 2-9-2024 tại KLhu tưởng niệm Bác Hồ

Con gái Cụ, chị Võ Thị Trúc Lâm rất nhiệt tình trong các hoạt động dòng tộc đứng trước Khu tưởng niệm và nhà thờ Bác Hồ

Ông Tử Vì Dân giáo dục về tấm gương Bác Hồ, về truyền thống cách mạng cho các cháu đoàn viên TNCSHCM, học sinh, sinh viên đến thăm quan Khu tưởng niệm Bác Hồ

Người dân, du khách trong huyện và phương xa thăm Khu tưởng niệm Bác Hồ của ông Tử Vì Dân


 

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Biểu mẫu liên hệ